Loãng xương là căn bệnh khó điều trị và thường để lại hậu quả xấu như: gãy xương, lún xương, gù vẹo cột sống… làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người bệnh.
Bình thường có 2 quá trình đồng thời xảy ra tác động trực tiếp lên xương của con người đó là tạo xương và hủy xương. Khi còn trẻ, quá trình tạo xương chiếm ưu thế, xương ngày một phát triển, các bè xương to ra.
Đến tuổi trưởng thành, hai quá trình tạo và hủy xương cân bằng với nhau, xương luôn cứng chắc.
Tuy nhiên, ở người lớn tuổi, quá trình tạo xương giảm, hủy xương tăng lên. Hậu quả là các bè xương mỏng đi, số lượng bè cũng giảm, tạo ra các khoang rỗng bên trong xương, các khoáng chất như canxi, phospho cũng bị rửa trôi đi, hàm lượng chất khoáng trong xương giảm đi, xương trở nên nhẹ hơn. Tình trạng này của xương được gọi là loãng xương hoặc xốp xương. Và Độ tuổi càng cao, càng có nguy cơ loãng xương.