Nhiều người nghĩ rằng ngủ ngáy chỉ là một hiện tượng bình thường mà ai cũng có thể gặp phải trong khi ngủ. Tuy nhiên, trên thực tế, chứng ngủ ngáy có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
NGỦ NGÁY LÀ GÌ ?
Ngủ ngáy hay còn gọi là ngáy khi ngủ, là triệu chứng xảy ra trong lúc ngủ: vùng họng sau bị hẹp lại. Khi người ngủ hít thở, một lượng khí vào, nhưng do đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh mà người ta gọi đó là ngáy. Vùng hẹp đó có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng. Những âm thanh này thường gây khó chịu cho những người xung quanh, tuy nhiên người ngủ ngáy lại thường không nghe và biết việc đó.
Theo cuộc nghiên cứu trên 2.000 người tại Canada có khoảng hơn 70% là nam giới ngáy khi ngủ và hơn 50% là nữ giới.
NGUYÊN NHÂN GÂY RA NGÁY NGỦ
Ngủ ngáy xảy ra khi dòng khí được hít thở qua mũi và miệng bị ngăn cản hoặc tắc nghẽn bởi nhiều yếu tố.
Nghẹt mũi hay đường thở trong mũi bị tắc: Do viêm xoang, viêm mũi dị ứng, do biến dạng mũi như lệch vách ngăn...
Nguyên nhân do các vấn đề trong cơ vùng họng và cơ lưỡi: Ở một số người có các cơ ở họng và lưỡi ít hoạt động, chúng chùng xuống và tạo áp lực lên đường thở. Thường xảy ra khi ngủ sâu giấc, lạm dụng bia rượu hoặc thuốc ngủ và liên quan đến tuổi tác, tuổi càng cao thì các cơ càng kém vận động hơn
Tình trạng thừa cân béo phì có thể khiến mô vùng họng trở nên kém linh động gây ngủ ngày.
Những trẻ em có VA, amidan hoặc hạch họng lớn cũng gây ngủ ngáy
Vòng miệng, lưỡi gà dài và mềm có thể gây tắc nghẽn đoạn đường thở từ mũi xuống họng làm phát ra tiếng ngáy.
Ngủ nghỉ không điều độ gây tinh thần mệt mỏi
TÁC HẠI CỦA VIỆC NGỦ NGÁY ĐẾN SỨC KHỎE
Ngoài việc gây khó chịu đối với người ngủ cùng thì bản thân người mắc bệnh ngủ ngáy cũng có thể cảnh báo một số nguy cơ sức khỏe.
Trẻ em bị ngủ ngáy thường khó đi vào giấc ngủ, do đó làm giảm chất lượng giấc ngủ, như ngủ không say, không sâu, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, do não bị thiếu oxy khi ngủ. Ngủ ngáy ở trẻ em còn có thể gây ra tình trạng ngưng thở lúc ngủ. Trẻ ngủ ngáy cũng sẽ ảnh hưởng đến hình dáng khuôn mặt do phải miệng thường há ra để hít thở khi ngủ.
Đối với người lớn, khi mắc bệnh ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ, do các phần mềm, cũng như niêm mạc cuống họng làm khí quản bị nghẹt, sẽ dẫn đến phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Để quá trình hô hấp diễn ra lại như bình thường, não sẽ phát tín hiệu để làm giãn nở cuống họng, khí quản. Một người mắc bệnh ngủ ngáy tức là gặp những rối loạn như này, sẽ có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao hơn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh mệt mỏi do não bộ không được nghỉ ngơi hoàn toàn. Ở mức độ nghiêm trọng, ngủ ngáy còn có thể làm xáo trộn sóng điện não, làm giảm trí nhớ, năng suất làm việc, khả năng tập trung, tinh thần mệt mỏi ...
Bên cạnh đó, người mắc bệnh ngủ ngáy cũng có nguy cơ bị các bệnh khác như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, đột quỵ trong lúc ngủ. Ngủ ngáy cũng làm suy giảm khả năng tình dục, ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng.
CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ NGỦ NGÁY HIỆN NAY
Có nhiều cách trị liệu triệu chứng ngáy ngủ, trong đó thông dụng nhất được áp dụng ở các gia đình là người nhà giúp người mắc bịnh thay đổi tư thế ngủ, từ nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng.
Tuy nhiên, đối với những người ngáy ngủ ở mọi tư thế (cấp độ nặng), có phác đồ điều trị được các thầy thuốc khuyên dùng như cho bệnh nhân thở ô xy trong khi ngủ. Cách này có tác dụng gần 100% nhưng bất tiện khi bệnh nhân đang di chuyển trên đường hoặc ở nơi tạm trú.
Gần đây y học chú trọng điều trị bệnh ngáy ngủ bằng cách cải thiện sức khỏe của cơ thể bệnh nhân như phác đồ giảm cân, giảm uống rượu bia, cai hút thuốc lá...Trong trường hợp không có kết quả, bệnh nhân có thể được tiến hành giải phẫu mở rộng đường họng, chích cuống họng, cuống lưỡi, cắt amiđan để tăng cường lưu thông đường hô hấp. Phương pháp này thường làm bệnh nhân đau và vết mổ lâu lành.
Phác đồ trị bệnh ngáy ngủ mới nhất theo công nghệ của các nước Đức, Mỹ và bắt đầu được du nhập vào một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan... gọi là Phác đồ Pillar. Đây là phác đồ trị bệnh tiện lợi, nhanh chóng, ít đau đớn và khá hiệu quả.
Bác sĩ sẽ cấy vào cùng một vùng trên hàm ếch (trong miệng) 3 sợi chỉ que có độ cứng và dài khoảng hơn 1 cm (được làm từ chất liệu dùng để khâu thành mạch tim nên khi đưa vào cơ thể không gây phản ứng phụ). Việc ghim 3 "que chỉ" này giúp cho hàm ếch căng và cứng hơn, giảm được độ rung khiến bệnh nhân dễ hít thở hơn và không phát ra tiếng ngáy trong khi ngủ.
Khi áp dụng phác đồ pillar, bệnh nhân chỉ đau nhẹ và trong 2 - 3 ngày là khỏi và phác đồ này có thể áp dụng đối với mọi đối tượng, lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên, chi phí cho một ca trị bệnh ngáy ngủ kiểu này còn tương đối cao, khoảng 650 - 1.000 USD.
Nếu bệnh quá nặng, cần phẫu thuật bằng laser, đốt các phần mềm cuống họng. Thủ thuật này rất nhanh mà không cần gây mê, chỉ điều trị khoảng 3-5 lần là có hiệu quả
CÁC MẸO CHỮA BỆNH ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ
1. Hãy giảm cân nếu là người béo phì
Người béo phì có lớp mỡ ở cổ dày. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây hẹp đường thở và dẫn đến hiện tượng ngáy khi ngủ. Vì vậy, những người béo phì hãy cố gắng tập luyện thể dục đều đặn và có chế độ ăn uống hợp lý để giảm cân. Việc kiểm soát cân nặng không chỉ giảm tình trạng ngủ ngáy mà còn hạn chế nhiều bệnh nguy hiểm khác do thừa cân, béo phì gây nên.
2. Uống một ly nước ấm trước khi đi ngủ
Một ly nước ấm trước khi ngủ là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn có giấc ngủ ngon. Đặc biệt, nước ấm sẽ làm giảm tình trạng khô cổ khi ngủ, vì vậy, có thể hạn chế gây ra các âm thanh khó chịu khi thở. Bạn cũng có thể thay nước ấm bằng một ly trà thảo mộc hay trà hoa cúc. Các loại trà này vừa có tác dụng giữ ẩm cho cổ họng vừa giúp tinh thần thư thái dễ đi vào giấc ngủ sâu hơn.
3. Nên nằm ngủ nghiêng
Khi nằm ngửa thì gốc lưỡi và quai hàm dưới sẽ bị tụt xuống thấp làm hẹp đường thở. Do đó, lượng không khí khi hít vào sẽ bị nghẽn ở cổ họng và khi thở sẽ phát ra âm thanh. Vì vậy, ngủ nghiêng sẽ giúp hạn chế được các vấn đề này.
4. Tránh hút thuốc, uống rượu bia trước giờ ngủ
Hút thuốc sẽ gây sưng và viêm niêm mạc khoang mũi. Trong khi đó, uống rượu bia sẽ là nguyên nhân gây giảm trương lực cơ, bao gồm cả cơ họng. Đây được coi là 2 yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ của con người. Vậy nên trước giờ ngủ ít nhất 4 giờ, bạn cần tránh xa thuốc lá và rượu bia nếu muốn ngủ ngon hơn.
5. Giữ độ ẩm trong phòng ngủ
Phòng ngủ có độ ẩm nhẹ sẽ làm ẩm vòm họng và làm cho lớp niêm mạc cổ không bị khô nên hạn chế phát ra âm thanh to khi thở. Để duy trì độ ẩm trong phòng, bạn có thể mua các loại máy phun sương tạo độ ẩm với giá thành rẻ ở link bên dưới.
6. Làm giảm triệu chứng bệnh viêm xoang mãn tính
Bệnh viêm xoang rất dễ bị tái phát dẫn đến viêm niêm mạc xoang mũi. Đường mũi không thông thoáng gây khó thở dẫn đến người bệnh có khuynh hướng chuyển sang thở bằng miệng. Việc há miệng ra để thở dễ làm cho môi và đường họng bị khô, tạo ra các âm thanh khó chịu trong khi ngủ. Để tránh trường hợp này, người bệnh nên làm vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch đường thở.
Bên cạnh đó, không gian ngủ cũng nên sạch sẽ, thoáng mát, tránh để bụi lông của áo quần, chăn nệm gây dị ứng dẫn đến khó thở. Người bệnh có thể uống thêm một ít mật ong pha nước ấm để giảm các triệu chứng viêm và sẽ dễ chịu hơn khi ngủ.
7. Sử dụng gối dành cho người ngủ ngáy
Hình dáng gối được thiết kế để phù hợp với người ngủ ngáy, giúp khai thông đường thở và chống đau khớp cổ. Bên cạnh đó, bề mặt gối còn có các lỗ thoáng khí giúp người dùng không bị nóng bức và đổ mồ hôi nên sẽ ngủ ngon hơn, sâu hơn.
8. Hạn chế sử dụng các sản phẩm từ bơ sữa trước khi đi ngủ
Một số nghiên cứu cho thấy các sản phẩm từ bơ sữa sẽ làm tăng dịch nhầy, gây cản trở đường hô hấp. Do đó, hãy hạn chế sử dụng các sản phẩm này đặc biệt là trước giờ đi ngủ.
9. Sử dụng các dụng cụ nha khoa hỗ trợ
Một số dụng cụ nha khoa có thể hỗ trợ tình trạng ngủ ngáy của bạn. Các sản phẩm này có giá thành rẻ nhưng lại rất hiệu quả.
CHỮA NGỦ NGÁY BẰNG ĐÔNG Y
Châm cứu và thảo dược đều có thể trị được ngáy. Đông y giúp giảm lượng đờm, cải thiện sức cơ của các cấu trúc trong miệng và họng, giảm viêm và những yếu tố khác góp phần tạo nên hiện tượng ngáy khi ngủ.
Ngủ với miệng mở ra là tư thế thường gặp. Đây là biểu hiện của khí trong cơ thể bạn bị suy yếu. Bên cạnh các biện pháp chữa ngủ ngáy bằng Đông y, bạn nên nâng cao khí của mình bằng cách ăn uống lành mạnh gồm thực phẩm tươi sống, thịt nạc hoặc ngũ cốc. Tập thể dục cũng giúp bạn nâng cao sức khỏe của chân và điều hòa âm dương trong cơ thể.
1. Thảo dược Đông y
Một trong những thảo dược giúp chữa ngủ ngáy bằng Đông y phổ biến là dùng nhân sâm và hoàng kỳ. Sự kết hợp hai vị thuốc trên giúp tăng cường khí trong cơ thể, điều chỉnh sự mất cân bằng năng lượng vì đây có thể là nguyên nhân khiến các cấu trúc trong miệng và họng bạn gặp vấn đề khi ngủ.
Một vài dược sĩ sử dụng nhân sâm và hoàng kỳ để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, một rối loạn khiến đường thở bị tắc nghẽn do các mô mềm bị hẹp hoàn toàn trong lúc bạn yên giấc.
2. Châm cứu
Châm cứu được xem như một phương pháp thú vị để chữa ngủ ngáy bằng Đông y bởi:
Một vài vị trí châm cứu trên có thể giảm áp lực của các xoang mũi, nguyên nhân chính gây ngáy. Những huyệt châm cứu này nằm ngay dưới đầu lông mày, hay còn gọi là huyệt toàn trúc. Những huyệt khác cũng tác động lên xoang gồm huyệt nghinh hương hai bên cánh mũi, huyệt quyền liêu ngay dưới xương gò má hai bên. Bác sĩ Đông y sẽ dùng kim châm vào những huyệt này trên mặt bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tự massage những huyệt vị này, được gọi là ấn huyệt để trị ngáy.
Một vị trí khác nữa để châm cứu là họng. Đờm nhiều và tích tụ chất nhầy trong họng và mô mỡ tại họng sẽ khiến bạn ngáy trong lúc ngủ. Điểm châm cứu tác động lên vùng này gồm huyệt ấn đường, nằm giữa hai đầu chân mày, từ đó giảm dần tình trạng ngáy và khó thở khi ngủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự ấn huyệt nếu chưa có thời gian đi đến bác sĩ.
Lưu ý dành cho bạn
Khi bạn đến khám bác sĩ Đông y, bạn nên hỏi những gì bạn thắc mắc về bệnh ngáy và cách chữa trị phù hợp với mình. Bác sĩ sẽ nhìn lưỡi và bắt mạch bạn để chẩn đoán trạng thái bệnh và khí trong cơ thể bạn. Một kế hoạch trị ngáy có thể gồm dùng thuốc thảo dược, châm cứu, ấn huyệt, tập thể thao và thay đổi lối sống hiện tại của bạn.
Ngủ ngáy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả nhất là tìm được nguyên nhân, khắc phục nguyên nhân và kết hợp với thay đổi thói quen sinh hoạt.
Mrs Nguyễn Ngọc