Hướng Dẫn Sơ Cứu Khi Bị Rắn Độc Cắn Tại Nhà

Thứ sáu, 09/04/2021, 18:03 GMT+7

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải những thông tin về các trường hợp tử vong do rắn độc cắn. Như các bạn đã biết, rắn là 1 loài động vật khá nguy hiểm, nó là thủ phạm gây ra những tai nạn bất ngờ cho những người không may, không chú ý mà tới gần nó, nhất là vào buổi đêm tối khiến cho mọi người xung quanh lúng túng, không biết xử trí ra sao. 

Hướng Dẫn Sơ Cứu Khi Bị Rắn Độc Cắn Tại NhàHướng Dẫn Sơ Cứu Khi Bị Rắn Độc Cắn Tại Nhà

PHÂN LOẠI RẮN VÀ BIỂU HIỆN NHIỄM ĐỘC

Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn, trong đó 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc hai họ rắn lục và rắn hổ. Nhiều loài có nọc độc gây chết người chỉ sau thời gian ngắn.

  • Họ Rắn Hổ:

- Rắn hổ mang (rắn hổ đất, hổ mang bành, hổ phì, hổ mèo) có cổ bạnh và phát ra âm thanh đặc trưng khi đe doạ hoặc tấn công. Có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, thậm chí gần khu dân cư.

- Rắn hổ chúa: cổ cũng bạnh nhưng không bạnh rộng, có hai vảy lớn ở đỉnh đầu, có ở vùng rừng núi, trung du, đồng bằng, hiện nay còn được nuôi ở nhiều nơi. Kích thước lớn (có thể nặng hàng chục kilôgam), dài tới vài mét.

- Rắn biển (con đẻn): sống ở biển hoặc vùng cửa sông, đuôi dẹt như mái chèo.

- Rắn cạp nong, cạp nia: khoang đen-trắng rõ (rắn cạp nia), khoang đen-vàng (rắn cạp nong), thường ở vùng trung du, đồng bằng, khu vực gần nước.

Biểu hiện nhiễm độc:

- Tại vùng vết cắn: đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.

- Toàn thân: đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,…dễ tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ gây khó thở.

  • Họ Rắn Lục:

Đặc điểm rắn: đặc điểm nổi bật chung của họ rắn lục là đầu hình tam giác, mắt có con ngươi hình elíp dựng đứng.

- Rắn lục xanh: có màu xanh lá cây các mức độ khác nhau, thường ở vùng rừng núi cả ba miền.

- Rắn khô mộc, rắn lục mũi hếch: thân màu nâu hoặc giống như màu cành cây khô, thường ở vùng rừng núi phía Bắc.

- Rắn choàm quạp: thân màu nâu, thường ở vùng rừng phía Nam.

Biểu hiện nhiễm độc: Sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Tử vong do chảy máu, mất máu.

NHỮNG LOÀI RẮN ĐỘC NGUY HIỂM Ở VIỆT NAM

Thế giới động vật hay thế giới của loài rắn luôn ẩn chứa những điều lý thú, bất ngờ. Các loài rắn độc ở Việt Nam phải kể đến: Rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong, rắn lục đuôi đỏ... Nhiều loài sở hữu nọc độc có thể giết người trong tích tắt.

  • Rắn Lục Sừng

Tên khoa học là Trimeresurus cornutus được tìm thấy ở Việt Nam. Đầu chúng có hình tam giác phân biệt rõ với cổ, mặt trên đầu phủ vảy nhỏ, có vảy trên mắt phát triển thành sừng nên được biết đến là "rắn quỷ", kích thước cơ thể khoảng 50cm. Nọc độc của loài rắn lục sừng được xếp vào Top những loài rắn độc nhất ở Việt Nam.

  • Rắn Lục Đuôi Đỏ

Tên khoa học là Trimeresurus albolabris, đây là loài rắn cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ. Sinh sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực Tây bắc Việt Nam, hiện nay Cần Thơ cũng có nhưng rất ít. Vừa rồi ở Quảng Ngãi và ở Nam Đàn - Nghệ An cũng đã xuất hiện và vào năm ngoái, chúng đã phân bố đến thành phố Đà Nẵng.

 

 

  • Rắn Chàm Quạp

Rắn chàm quạp hay còn gọi là rắn khô mộc có tên khoa học là Trimeresurus mucrosquamatus. Sở dĩ có cái tên như vậy bởi màu da của chúng lẫn vào với lá khô, cây khô cực khó phát hiện. Thường gặp ở vùng rừng cao su bạt ngàn miền Đông Nam Bộ, độ nguy hiểm của loài rắn này theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì chỉ đứng sau rắn biển.

  • Rắn Lục Von-Gen

Tên khoa học là Viridovipera vogeli. Đỉnh đầu và thân của loài này màu xanh lục, phần bụng màu nhạt hơn. Giới khoa học chưa tìm hiểu rõ về thức ăn của rắn lục miền nam. Chúng thường ăn đêm, sống ở trong bụi rậm, lùm cây thấp ở địa hình đồi núi có độ cao từ 900 m đến 1.500 m. Loài rắn này sống ở Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng.

  • Rắn Lục Đầu Bạc

Theo Wikipedia, rắn lục đầu bạc tên khoa học là Azemiops feae được xem là một trong các loài rắn độc nguyên thủy nhất. Loài này có kích cỡ trung bình, đầu hơi dẹp phân biệt rõ với cổ. Chiều dài cơ thể khoảng 80 cm. Chúng sống trên các vùng núi cao lên tới 1.000 m. Tại Việt Nam, rắn lục đầu trắng phân bố ở Cao Bằng, Vĩnh Phú, Lạng Sơn. Số lượng của loài này ngoài tự nhiên còn rất ít.

  • Rắn Lục Trùng Khánh

Tên khoa học là Protobothrops trungkhanhensis. Đây là loài đến nay giới khoa học mới phát hiện ở khu bảo tồn thiên nhiên Trùng Khánh, Cao Bằng, Việt Nam. Rắn lục Trùng Khánh dài khoảng 70 cm, khá nhỏ so với những loài thuộc chi Protobothrops. Chúng sống ở độ cao 500 – 700 m trong các khu rừng thường xanh và rừng mưa núi đá vôi nhiệt đới.

  • Rắn Hổ Mang Xiêm

Rắn hổ mang xiêm hay còn gọi là rắn hổ mang bành tên khoa học là Naja siamensis. Chúng là loài rắn có nọc độc gây chết người. Rắn hổ mang thường tấn công khi bị khiêu khích hay đe dọa. Ai bị loài rắn độc này cắn thì chỉ khoảng 30 phút sau sẽ tử vong do chất độc làm suy hô hấp, dẫn đến ngạt thở và làm tê liệt hoạt động của cơ hoành. Hổ mang thường ăn chuột, chim và ếch. Ở Việt Nam, chúng phân bố chủ yếu ở Nam Trung Bộ và miền nam.

  • Rắn Hổ Mang Chúa

Rắn hổ mang chúa, tên khoa học là Ophiophagus hannah. Mặc dù không chủ động tấn công con người nhưng vẫn được đánh giá là loài nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng. Không chỉ có khả năng phóng nọc độc, loài rắn này còn có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Nọc độc của rắn hổ mang có độc tố tác động làm tê liệt hệ thần kinh, khiến người bị cắn rơi vào hôn mê vào bỏ mạng.

  • Rắn Hổ Đất

Rắn hổ đất hay còn gọi là hổ mang một mắt kính hay hổ phì, tên khoa học là Naja kaouthia. Mỗi khi bị kích thích, cổ của loài rắn bành ra rất đáng sợ. Chỉ một lượng nhỏ nọc độc của loài rắn này cũng có thể khiến con mồi chết bất đắc kỳ tử.

  • Rắn Biển

Rắn biển có tên khoa học là Hydrophiinae. Chúng thuộc nhóm rắn có nọc độc sinh sống trong môi trường biển, mặc dù chúng đã tiến hóa từ tổ tiên sống trên mặt đất. Đặc điểm chung của rắn biển là có cấu tạo cơ thể theo chiều ngang dẹt giống như những con lươn. Không giống như cá, rắn biển không có mang và thường xuyên phải trồi lên mặt nước để thở. Các loài rắn biển thường có nọc độc mạnh. Tại Việt Nam các loài rắn biển có nhiều tên gọi khác như rắn đẻn, rắn đẻn biển. Chúng có mặt tại nhiều vùng biển khác nhau của Việt Nam.

  • Rắn Cạp Nong

Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus) hay còn gọi là rắn cạp nia hoặc rắn mai gầm thuộc họ Rắn hổ (Elapidae). Đây là một trong những loài rắn cực độc, dù chúng ít khi chủ động tấn công con người nhưng nếu ai đó không may bị chúng cắn, nọc độc có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vòng vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Chúng sống phổ biến ở đồng bằng, trung du và miền núi Việt Nam. Chúng kiếm ăn về ban đêm, bắt các loài rắn khác, đôi khi ăn cả thằn lằn.

PHÂN BIỆT RẮN ĐỘC VÀ RẮN KHÔNG ĐỘC

Làm thế nào nạn nhân và người thân biết đó là rắn độc hay rắn không độc, bác sĩ Trần Văn Hoàng, phó giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 (còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm), giải thích:

Trước hết xem xét triệu chứng tại chỗ như: dấu răng, phù nề, màu sắc vùng da bị cắn...

Nếu là rắn thường (rắn không độc) như: trăn, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn lục cườm... thì không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.

Rắn độc: có răng độc (hay răng khóa). Rắn độc có hai tuyến nọc và hai răng độc, do đó khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại hai dấu răng trên vết cắn.

Rắn độc cắn thường có hai dấu răng nhưng đôi khi cũng chỉ có một dấu răng hoặc ba, bốn dấu răng. Do đó nên khám xét kỹ, tránh bỏ sót.

 

 

Thứ hai, dựa vào triệu chứng toàn thân.

+ Rắn không độc cắn: phản ứng tại chỗ nhẹ, ít; phản ứng toàn thân không có.

+ Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu toàn thân, nôn ra máu...

HƯỚNG DẪN SƠ CỨU ĐÚNG CÁCH KHI BỊ RẮN CẮN

Các triệu chứng thường thể hiện rõ ngay sau khi bị rắn cắn, nên việc quan sát nạn nhân là cực kỳ quan trọng.

- Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn; màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công, tất cả đều hữu ích.

- Để nạn nhân nằm yên và trấn an họ; cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc đọc đến tim nhanh hơn.

- Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu trừ khi chúng ta biết chắc loài rắn đã cắn có nọc độc tác động đến thần kinh.

- Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.

- Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân, nếu bệnh nhân thở nhanh > 30 lần/phút, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Vì nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp nhân tạo kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.

- Nếu bệnh nhân bị hoại tử: rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.

- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu. Tuy nhiên nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.

- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.

Một Số Điều Cần Lưu Ý:

- Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc, bệnh nhân có thể tử vong lập tức.

- Bệnh nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây... lên vết cắn.

- Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình thường để không tạo áp suất và gây bầm tím, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân tay.

- Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu nạn nhân bị nhóm rắn hổ cắn, thời gian bị cắn đến tử vong nhanh nhất khoảng 90 phút, còn các loài rắn khác chậm hơn. Do đó cần phải chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức trước thời gian đó. Tránh đi loanh quanh ở những nơi không có điều kiện cấp cứu hồi sức và không có kháng huyết thanh đặc hiệu mà bỏ lỡ cơ hội cứu sống nạn nhân.

CÁCH PHÒNG NGỪA RẮN CẮN HIỆU QUẢ NHẤT

Các loại rắn thường trở nên hung hãn hơn vào mùa xuân, đầu hè, và thu. Số lượng nạn nhân bị rắn cắn tăng vào tháng 4 và tháng 10. Do thời gian này thời tiết đẹp, mọi người tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn.

Có nhiều loại rắn không độc, nhưng cũng có nhiều loại rất độc. Ví dụ như rắn chuông, rắn hổ mang, rắn lục đuôi đỏ, rắn cạp nong… Sau đây là một số việc bạn nên làm để giảm thiểu nguy cơ bị rắn cắn:

+ Thường xuyên cắt tỉa hàng rào, dọn cỏ và chặt bỏ các bụi cây trong vườn. Đây là những nơi rắn thường tới sống.

+ Không để trẻ em chơi ở những vùng trống, cỏ cao.

+ Luôn dùng kẹp khi di chuyển gỗ, bụi/bó cây, như vậy sẽ dễ dàng thấy được những con rắn ẩn nấp bên dưới.

+ Khi đi qua những vùng cỏ cao, phải dùng một cây dài đánh động vùng phía trước để dọa chúng bò đi nơi khác.

+ Mặc quần dài và mang ủng cao khi làm việc hay đi qua những vùng có thể có rắn.

+ Đừng bao giờ cầm rắn trên tay, cho dù nó đã chết. Nếu bạn thấy một con rắn, hãy tránh xa nó ra.

+ Ngủ trên võng khi đi cắm trại.

+ Canh chừng rắn khi lội qua sông, hồ hoặc khi có lũ lụt.

+ Học cách nhận biết rắn độc để phòng ngừa.

+ Thường xuyên kiểm tra nhà ở xem có rắn không. Tránh xây kiểu nhà tạo điều kiện cho rắn ở (như lợp nhà mái tranh, tường xây bằng rơm, bùn với nhiều hốc, nền nhà nhiều vết nứt…)

Mrs Hoàng Quyên

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Xem nhiều

Tin tiêu điểm

Hotline: 0919315977
KỲ DUYÊN
(Phản hồi - Góp ý)
0919822505
  • icon_zalo
  • icon_phone
  • icon_skype
 
 
NGUYỄN NGỌC
(Phản hồi - Góp ý)
0919315977
  • icon_zalo
  • icon_phone
  • icon_skype
 
 
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.